Về việc người dân phản ánh cách cắm biển ở đường Võ Chí Công không khác gì "bẫy" do cắm biển quá cao và phản quang buổi tối quá kém, Thượng úy Cường khẳng định: "Tuyến đường Võ Chí Công rất thông thoáng, việc đặt biển báo được Sở GTVT thực hiện theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, rất dễ nhìn, nên không thể gọi đó là "bẫy" được, trách nhiệm của người tham gia giao thông là quan sát thật kỹ và chủ động định hướng đi!".
Báo Giao thông phản ánh về cách áp dụng biển báo chưa hợp lý, thậm chí như "ma trận" khiến người tham gia giao thông khó hiểu. Lãnh đạo Đội CSGT số 2 - Công an TP Hà Nội trả lời.
Trước đó, Báo Giao thông có bài phản ánh "CSGT bị nghi phạt sai tại "ma trận" biển báo", trong đó nhiều cư dân mạng còn cho rằng, những biển báo phân làn cắm tại khu vực đường Võ Chí Công dẫn lên cầu Nhật Tân "ít có tác dụng để CSGT xử phạt lỗi đi sai làn đường, trong khi rất nhiều lái xe đã bị xử lý lỗi trên tại khu vực này"?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng úy Nguyễn Tuấn Cường - Đội phó Đội CSGT Số 2 cho biết, việc triển khai cắm biển đã được Sở GTVT Hà Nội khảo sát rất kỹ theo quy chuẩn quốc gia và thực hiện trên tuyến đường Võ Chí Công, lực lượng CSGT có nhiệm vụ thực thi và tiến hành xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm khi không chấp hành biển báo tại đây.
Thượng úy Nguyễn Tuấn Cường.
Cụ thể, Thượng úy Cường giải thích, theo QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ - QCVN 41: 2012/BGTVT, biển báo được cắm trên đường Võ Chí Công là: Biển số 412 "Làn đường dành riêng cho từng loại xe" (tạm hiểu là biển phân làn) để chỉ dẫn cho người lái xe biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe riêng biệt, phải đặt biển số 412(a,b,c,d) "Làn đường dành riêng cho từng loại xe". Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy. Tùy loại phương tiện cần quy định mà bố trí biển cho phù hợp. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định). đối với biển phân làn thì người đi loại xe nào sẽ phải đi vào đúng làn đường được phân.
Biển số 412 trong QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ.
Thượng úy Cường giải thích thêm, khi gặp loại biển này trên đường, các phương tiện cần nghiêm túc tuyệt đối chấp hành việc đi đúng làn đường dành cho loại xe mình đang điều khiển, chú ý đoạn nào có vạch liền thì không được phép vượt hoặc đè lên vạch. Nếu chủ phương tiện vi phạm tất cả những điều trên, cụ thể tại tuyến đường Võ Chí Công này, sẽ bị xử phạt lỗi đi không đúng làn đường quy định với mức chế tài xử phạt theo điều 5, khoản 4, điểm C Nghị định 171 áp dụng với ô tô là 800.000 đồng - 1.200.000, đồng thời tước GPLX 30 ngày và xe máy là 200.000 - 400.000 đồng.
Trả lời về thắc mắc của người dân việc có hay không loại biển này được goi là biển gộp nhiều hình trong đó về pháp lí, biển gộp nhiều hình này không thể hiện trong Quy chuẩn 41 về Báo hiệu đường bộ, nên biển này không có tính pháp lý để xử phạt. Thượng úy Cường cho biết, chưa nắm được thông tin này và có thể người dân chưa tìm hiểu kỹ QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ nên có sự nhầm lẫn.
Ngoài ra Thượng úy Cường còn cho biết thêm, việc xử phạt các phương tiện là nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhằm tạo trật tự, kỷ cương, tránh gây ùn tắc và giảm thiểu TNGT, người dân khi đi ra đường cần nắm rõ các kiến thức về luật, tìm hiểu thật kỹ các biển báo trên đường và tham gia giao thông một cách nghiêm túc, trách nhiệm. "Tuy nhiên, chúng tôi chỉ xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm, còn đối với những trường hợp xét thấy khó khăn, đặc biệt, chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo để có biện pháp xử lý khác". Thượng úy Cường nói.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề tổ chức giao thông tại tuyến đường Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân hoặc bất kỳ tuyến đường nào do Đội CSGT Số 2 phụ trách, người dân có thể gửi phản ánh về Đội CSGT Số 2 - Đ/C: Số 8A Xuân La , Tây Hồ, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét