Theo nghiên cứu của AAM (Hiệp hội xe hơi Malaysia), trong một vụ va chạm ở tốc độ 50km/h, một đứa trẻ nặng 7kg sẽ bị văng về phía trước với lực tương đương với một người lớn rơi từ tòa nhà 5 tầng xuống.
Đoạn video clip diễn tả sự va đập của một người đàn ông trong xe hơi do không thắt dây an toàn khi xe va chạm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người sử dụng xe hơi.
Có lẽ đối với những người thường xuyên theo dõi tin tức, có lẽ không cần phải nhắc lại mức độ thảm khốc của vụ tai nạn xảy ra giữa chiếc xe Toyota Camry chở 7 người trên xe, khi va chạm với xe giường nằm. Nhưng từ vụ tai nạn thương tâm đó, người tham gia giao thông cần ý thức hơn về việc giữ an toàn cho bản thân và người đi cùng.
Có rất nhiều nguyên tắc an toàn cần thiết và hữu dụng, nhưng người đi xe ở Việt Nam lại thường bỏ qua vì những lý do rất "trời ơi". Một trong những cái đơn giản nhất là thắt dây an toàn khi lái xe.
Dây đai an toàn
Thắt dây an toàn là điều gần như bắt buộc đối với mọi người đi xe ở các nước phát triển, nhưng ở Việt Nam, điều này chỉ đúng một cách tương đối. Đai an toàn giúp bạn giữ đúng vị trí trên ghế, không bị văng ra ngoài hay va đập vào kính lái, vào người khác trong xe. Đai an toàn còn giúp kích hoạt túi khi khi va chạm, giúp giữ mạng sống cho bạn.
Tất cả mọi người đều phải thắt dây an toàn, kể cả ở hàng ghế sau.
Rất nhiều lái xe "quên" thắt dây an toàn. Lý do thì vô vàn, vì vướng víu, vì chỉ đi một quãng ngắn, vì chỉ lái chậm thôi không cần thiết, vân vân và mây mây. Đừng lý do, các bạn quên rằng bước lên xe, thắt dây an toàn phải được hình thành như một phản xạ có điều kiện. Không ai có thể lường trước tai nạn ập đến lúc nào.
Người lái thắt dây an toàn, người ngồi sau lại...quên
Hơn thế nữa, trong khi ngày càng nhiều người lái đã có ý thức thắt dây an toàn, ít nhất là khi chạy đường dài, thì người ngồi ghế sau rất ít hoặc hầu như không có thói quen này.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tai nạn xảy ra khi xe chạy ở vận tốc 50km/h, trọng lượng của một hành khách ngồi hàng ghế sau không thắt dây an toàn có thể tăng lên gấp 30-60 lần trọng lượng thực, tức là trung bình lên đến khoảng 3,5 tấn. Khi trọng lượng này văng lên va đập vào ghế trước hay các thành phần khác của xe, bạn có thể tưởng tượng hậu quả như thế nào.
Clip mô tả người đàn ông lộn nhào trong xe khi tai nạn xảy ra.
Chở trẻ em trên xe
Phần lớn thói quen người Việt khi chở trẻ em trên xe là cho bé ngồi ghế phụ phía trước khi bé tương đối lớn, hoặc một người lớn khác sẽ ôm bé trong vòng tay. Đây là thói quen sai lầm.
Ghế xe phía trước không được thiết kế dành cho trẻ em ngồi một mình. Dây an toàn không thiết kế để vừa với một trẻ nhỏ. Việc thắt dây an toàn thậm chí gây nguy hiểm hơn do dây không vừa với người của bé. Bên cạnh đó, việc kích hoạt túi khí khi va chạm có thể làm bé bị thương nghiêm trọng, kể cả bạn có sử dụng ghế cho trẻ em đặt ở ghế phụ phía trước.
Dù đã có ghế trẻ em, nhưng vẫn không nên để trẻ em ngồi trên ghế trước.
Để bé ngồi vào lòng người khác cũng rất nguy hiểm nếu sự cố xảy ra. Tư thế ngồi của bé không đảm bảo, người bảo hộ không đủ lực có thể khiến bé văng ra khi có tai nạn, ở bất kỳ vận tốc nào.
Một chiếc ghế trẻ em đúng chuẩn, phù hợp với chiếc xe của bạn, cố định ở hàng ghế sau cho bé ngồi, thắt dây an toàn đầy đủ là điều cần thiết phải làm, vì an toàn của con bạn. Lưu ý rằng không phải ghế nào cũng hợp với xe của bạn, nên cần lựa chọn và lắp đặt thử khi chọn mua ghế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét