Anh H hồ hởi khoe lang thang mãi khu này mới kiếm được bộ đèn trước đầy đủ của một chiếc Nissan hàng hiếm với giá chỉ 2 triệu VND, trong khi tham khảo mua trên mạng từ nước ngoài thì bộ đèn đó có giá tới 9,5 triệu VND (450 USD) chưa kể tiền vận chuyển về. Còn các bác tài taxi thì cho biết, do phải chịu trách nhiệm về hư hỏng va quệt nên khi bị bể đèn thì chỉ chạy xuống đây khắc phục vá lại chứ làm sao có tiền thay đèn mới được.
Ở Sài Gòn, cái nghề sửa chữa vá đèn xe hơi phát triển thành hẳn một khu phố và đáp ứng đa dạng nhu cầu.
Nghề độc đáo
Chẳng biết ai là ông tổ của nghề này trên con đường Trần Bình Trọng, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, cái nghề có lẽ phát triển theo sự xuất hiện của những chiếc xe hơi cũ trong những thập niên cuối của thế kỷ trước, khi những chiếc xe vì lý do nào đó bị vỡ mất đèn lái hay đèn đuôi xe. Bộ đồ nghề của người thợ chỉ gồm những thứ rất thô sơ như những chiếc bếp điện, vài cái mũi dao sắc, lưỡi cưa nhỏ, giũa sắt…
Những chiếc đèn của nhiều dòng xe đời cũ đa số có bề mặt phẳng đơn giản với những đường gân âm trên mặt đèn, không nhiều hoa văn nên chỗ bị vỡ dễ dàng được vá lại hay làm mới một phần đèn.
Một góc phố phục chế hoặc làm mới các hư hỏng của đèn.
Càng ngày nghề này càng được phát triển và tất nhiên tay nghề và độ tinh xảo cũng được nâng lên. Nghề truyền nghề là nét đặc trưng của nghề vá đèn xe, chỉ cần sự tỉ mỉ và bắt chước những người đi trước là có thể hành nghề được.
Lúc trước sử dụng bếp điện với dây may so đỏ rực để làm mềm tấm nhựa mi-ca thuận tiện cho việc uốn nắn, thì nay đã có một thứ khác thuận tiện hơn đó là các đèn khò mini gắn trực tiếp lên các bình ga mini rất cơ động và dễ dàng thao tác, song song đó là các máy cắt, mài cầm tay, mô-tơ 2 đầu mài và đánh bóng. Một loại keo phổ biến hay dùng là 502 và các mạt nhựa dùng để dán và ghép nối.
Các loại đèn ôtô ngày nay chủ yếu có phần vỏ che ngoài làm từ chất liệu nhựa nên dễ dàng về mặt sửa chữa, vá lỗ thủng hoặc tạo ra những hoa văn như đèn zin, nhưng phần lớn lại có độ cong và lượn nên đây là một yếu tố quyết định đến tay nghề cao hay thấp của thợ. Một người bình thường theo phụ việc trong khoảng 2 năm là có thể thành thục làm tất cả mọi việc liên quan đến sửa chữa và phục chế đèn.
Nơi hàn gắn nỗi đau vỡ đèn
Với những chiếc xe được bảo hiểm hai chiều hẳn hoi thì chuyện vỡ đèn là chuyện của bảo hiểm. Nhưng với những chiếc xe không có bảo hiểm, hay loại xe hiếm phụ tùng thì phố vá đèn Trần Bình Trọng là địa chỉ duy nhất được nghĩ tới.
Có thể các ngành nghề khác lao đao vì kinh tế suy thoái, nhưng với nghề này thì nó cứ bình bình như vậy chẳng hề hấn gì. Dạo một vòng phố lúc nào cũng thấy thợ ngồi làm luôn tay, có thợ ngồi làm đèn cho khách lấy liền với những vị trí vỡ đơn giản. Còn những ca phức tạp, đôi khi thợ phải làm cả ngày hay phải thêm ngày hôm sau nữa, chưa kể nguồn hàng gửi từ các tỉnh lân cận lên sửa chữa. Các xe taxi cũng là khách hàng thân thuộc của khu phố này để sửa chữa những va quệt vỡ đèn xảy ra như cơm bữa.
Những bộ đèn sau khi phục chế có thể sử dụng được ngay khi khách có nhu cầu.
Lúc rảnh rỗi thì những người thợ lại mang những bộ đèn cũ thu mua từ nhiều nguồn tân trang lại cho sáng bóng hơn, những chiếc đèn bị vỡ thu lại từ những gara làm bảo hiểm cho ôtô cũng được tận dụng để phục chế hoặc dùng lấy những phụ kiện trong đó làm linh kiên để vá đèn như bề mặt mi-ca, chân đế đèn, chóa… để tạo ra những bộ đèn mới có thể bán liền cho khách khi cần.
Ngoài chức năng như một nơi sửa chữa, vá đèn xe, khu phố này còn là nơi cung cấp các loại đèn xe hơi từ đời cũ cho đến mới với đủ loại từ hàng Đài Loan cho tới hàng zin, và đây cũng là nơi dân chơi các loại xe hiếm và cổ lang thang tìm kiếm những bộ đèn xe mà chẳng ai thèm quan tâm với giá hời, nếu mua từ eBay thì giá cũng trên trời và đôi khi có thể gặp khó khăn và lăn tăn về khâu thanh toán tiền cũng như chất lượng hàng khi được giao.
Một đoạn phố dài khoảng 700m mà có tới vài chục cửa hàng chuyên sửa chữa, làm mới các loại đèn ôtô. Cái nghề độc đáo này có lẽ vẫn sẽ phát triển với những người thợ cần mẫn, dùng các mũi dao sắc nắn nót tạo ra những hoa văn trên bề mặt tấm nhựa mi-ca như những chiếc đèn zin xe ôtô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét